Tin tức

Phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam theo định hướng bền vững: Giải pháp phát triển bền vững

16/12/2014

Nghề nuôi chim yến đã và đang phát triển mạnh. Trước thực trạng tiềm năng lớn nhưng thiếu định hướng, cần phải triển khai những giải pháp phù hợp.

 

Định hướng quy hoạch phát triển

            Quy hoạch chặt chẽ, tránh các hiện tượng xây dựng nhà yến theo lối tự phát. Ưu tiên quy hoạch phát triển nuôi chim yến đảo tại các tỉnh: Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận.

            Quy hoạch phát triển thêm hang đảo yến mới tại các tỉnh, thành có tiềm năng như: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Thuận, Đồng Nai, Phú Quốc – Kiên Giang, Cà Mau.

            Quy hoạch nuôi chim yến nhà tại các tỉnh, thành như: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắc Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau.

            Khảo sát quy hoạch thực hiện đồng bộ, nhất quán, đảm bảo khẩn trương hoàn thành trong năm 2015.

Chính sách

            Cần hoạch định các chính sách sau: quy hoạch phát triển; khuyến khích đầu tư phát triển nuôi chim yến đảo gắn với phát triển kinh tế biển và bảo vệ quốc phòng an ninh; chuyển đổi đất nông nghiệp sử dụng nuôi chim yến; quản lý nhà nước về nuôi chim yến; đào tạo cán bộ kỹ thuật quản lý chuyên ngành; đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích đầu tư xây dựng mô hình làng nghề; đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi chim yến tập trung; bảo vệ môi trường sinh thái tạo nguồn thức ăn cho chim yến; vay vốn ưu đãi; thương hiệu quốc gia Yến sào Việt Nam được xây dựng và bảo vệ theo qui định của pháp luật quốc tế; định vị thương hiệu quốc gia; phát triển thành sản phẩm quốc gia; tuyên truyền giáo dục nhân dân bảo vệ quần thể chim yến; miễn giảm thuế trong 3 năm đầu; khuyến khích nghiên cứu khoa học; khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Khoa học công nghệ

            Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học chuyên ngành; tập trung nghiên cứu cấu trúc quần thể; nghiên cứu thiết bị công nghệ; phòng trừ dịch bệnh, phòng tránh địch hại cho chim yến; công nghệ tạo nguồn thức ăn, bảo quản, chế biến các sản phẩm sau thu hoạch từ tổ yến.

            Dự báo thường xuyên và cập nhật số lượng quần thể, nhà yến, sản lượng, nhu cầu thị trường tiêu thụ. Thực hiện phương pháp nuôi chim yến 3 trong 1: Ấp nở và nuôi nhân tạo chủ động nguồn giống; nhân đàn di đàn; dẫn dụ từ thiên nhiên. Chuyển giao công nghệ, bí quyết kỹ thuật. ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua các phương tiện thông tin thực hiện chương trình giảng dạy phương pháp nuôi chim yến. xây dựng cẩm nang hướng dẫn kỹ thuật, quy trình vệ sinh, khử trùng, phòng dịch. Khai thác, bảo vệ nguồn gen có giá trị kinh tế cao. Áp dụng các bí quyết kỹ thuật nhân đàn, di đàn đến hang mới. hợp tác với các nước trong khu vực về khoa học công nghệ, kỹ thuật. định kỳ tổ chức điều tra, nghiên cứu, đánh giá tổng thể. Áp dụng công nghệ sinh học và các công nghệ cao để nghiên cứu sản xuất vacxin phòng dịch; các chế phẩm sinh học xử lý môi trường. bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả.

Nguồn thức ăn, môi trường sinh thái

            Phục hồi và phát triển trồng rừng; tăng cường và phát triển diện tích trồng lúa, trồng hoa màu; tăng cường trồng các loại cây dẫn dụ côn trùng như: cây keo dậu, cây hông, cây sung, cây ăn quả…

            Xây dựng cơ sở dữ liệu về các nhà nuôi yến, các vùng phân bố, vùng kiếm ăn, bản đồ phân bố chim yến. Cấm xâm nhập trái phép vào hang yến, bảo vệ môi trường, kiểm tra, kiểm soát, quản lý quy trình kỹ thuật vệ sinh khử trùng, phòng dịch.

Bảo vệ quần đàn

            Phòng chống địch hại, tránh các loài thú ăn mồi yến như: Chim Bồ Cắt, chim Cú Mèo, Chuột, Rắn, Tắc Kè…; chế tạo các thiết bị chuyên dụng hữu hiệu. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ quần thể chim yến.

            Bảo vệ các nhà yến có số lượng bầy đàn lớn khỏi nguy cơ về bệnh dịch. Bổ sung thêm nguồn chim yến bằng biện pháp ấp nuôi nhân tạo.

Tuyên truyền, giáo dục, vận động

            Tuyên truyền, giáo dục nhân dân ý thức bảo vệ đàn chim yến, cấm săn bắt, bảo vệ môi trường sinh thái, hệ sinh thái rừng, vùng đất ngập nước.

            Thực hiện cẩm nang hướng dẫn nuôi chim yến. Đưa nội dung tài nguyên chim yến đảo vào chương trình giáo dục bảo vệ môi trường biển đảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai trong các trường phổ thong ở các tỉnh ven biển.

Đào tạo phát triển nguồn nhân lực

            Đào tạo chuyên gia kỹ thuật, lao động chuyên môn hóa, nâng cao trình độ các chuyên gia kỹ thuật, thu hút nhân tài. Thành lập Học viên Yến sào Việt Nam là trường học kỹ thuật chính thống và chuyên sâu.

Xây dựng nhà yến tối ưu

            Thiết kế xây dựng nhà nuôi chim yến phù hợp cho từng vùng miền, đặc điểm thổ nhưỡng khác nhau. Áp dụng các giải pháp kỹ thuật nuôi chim yến phù hợp từng vùng miền, sử dụng trang thiết bị phù hợp, tối ưu, tiết kiệm chi phí.

            Thực hiện 5 bước vận hành ngôi nhà yến: Dẫn dụ; chiêu thức dụ chim ở lại nhà yến; kích thích chim làm tổ; phát triên bầy đàn; nâng cao năng suất sản lượng.

            Chín yếu tố quyết định thành công nhà yến: Vị trí xây dựng; thông số kỹ thuật nhiệt độ và độ ẩm, ánh sáng (lux); hướng nhà và hướng lỗ chim ra vào; kích thước vòng đảo lượn trong nhà; hệ thống giá tổ; hệ thống âm thanh; hệ thống tạo ẩm và thông gió; kỹ thuật vận hành.

Quản trị nhà yến tối ưu

            Sử dụng camera quan sát lắp đặt. Phát hiện kịp thời các thiên địch gây hại. Quản lý nhà yến từ xa, theo dõi qua internet. Áp dụng thiết bị tự động hóa: máy phát âm thanh tiếng chim; máy tạo độ ẩm… Vận hành nhà yến đảm bảo hiệu quả tiết kiệm năng lượng.

            Thực hiện đăng ký nuôi chim yến theo thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 07 năm 2103 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc quy định thời quản lý nuôi chim yến.

Hợp tác liên kết phát triển

            Sự liên kết phát triển giữa: nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học vì sự phát triển của nghề nuôi chim yến. Thông qua liên kết, khả năng thích ứng với thị trường, làm chủ công nghệ và cải thiện sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp có thể tham khảo kinh nghiệm của nhau trong sản xuất, phân công lao động.

Thành lập hiệp hội nuôi chim yến

            Những năm tới, nghề nuôi sẽ phát triển mạnh mẽ, số lượng nhà yến sẽ tăng lên từng ngày tháng theo cấp số nhân. Do vậy cần thiết thành lập Hiệp hội Yến sào Việt Nam.

            Hiệp hội là tổ chức thống nhất liên kết các thành viên, đại diện bảo vệ quyền lợi trong các tranh chấp thương mại, đầu mối cung cấp thông tin thị trường.

            Tổ chức các hoạt động đào tạo, phổ biến kiến thức, nâng cao nghiệp vụ, nâng cao trình độ, đưa tiến bộ - khoa học vào thực tiễn, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tổ chức xúc tiến thương mại, điều phối để nâng cao sức cạnh tranh.

            Tổ chức các Hội yến sào tỉnh, thành phố, các chi hội; thành lập các câu lạc bộ kỹ thuật để tập hợp ý tưởng, kinh nghiệm, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động. CLB kinh doanh tập hợp các đơn vị kinh doanh, thu mua nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, điều hòa đầu ra sản phẩm.

Tổ chức các Hội thảo khoa học, các chương trình liên kết giữa chính quyền địa phương, nhà khoa học, các nhà nuôi chim yến, các đơn vị hội thảo.

Thu hút sự tham gia đông đảo các tầng lớp, đặc biệt là trí thức, các nhà nghiên cứu khoa học, chuyên gia, nhân dân, đó là nguồn tư duy khổng lồ, sức sáng tạo mạnh mẽ.

Hợp tác quốc tế

            Tăng cường hợp tác quốc tế trong chiến lược phát triển ngành nghề nuôi chim yến, phát triển sự hợp tác toàn diện với Indonesia, Malaysia, Thailan nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giải pháp kỹ thuật. Tăng cường hợp tác quốc tế đào tạo cán bộ có trình độ cao cho ngành nghề, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao.

Chế biến nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch

            Áp dụng công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nghiên cứu sản xuất sản phẩm thực phẩm từ yến, nâng cao giá trị gia tăng. Cải tiến mẫu mã, sản xuất nhiều chủng loại khác nhau với chi phí hợp lý và giá cả phù hợp.

Xât dựng thương hiệu phát triển bền vững

            Xây dựng thương hiệu mạnh quốc gia “Yến sào Việt Nam” có khả năng cạnh tranh cao, được xây dựng và bảo vệ theo qui định của luật pháp quốc tế. Nhà nước đăng ký quyền sở hữu trí tuệ thương hiệu quốc gia Yến sào Việt Nam theo Công ước Quốc tế Madrid.

Thị trường và xúc tiến thương mại

            Tổ chức giới thiệu, quảng bá qua các hội chợ thương mại; hội chợ địa phương; xúc tiến thương mại đến các thị trường: Trung Quốc HongKong, Hoa Kỳ, Trung Quốc Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và các nước Asean, Châu Âu. Phát triển thị trường trong nước; xuất khẩu, giữ vững – mở rộng thị trường hiện có, tích cực tìm kiếm thị trường mới. Phát triển thị trường gắn với đổi mới KHCN, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh bền vững.

Vốn tín dụng ưu đãi

            Vốn đầu tư huy động từ các nguồn: Vốn ngân sách nhà nước; vốn tín dụng trung hạn; tín dụng ngắn hạn; huy động từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư; vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.

            Tiếp cận các nguồn vốn tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ phát triển quần thể chim yến, trồng rừng, phát triển đàn yến, vay ưu đãi không lãi suất hoặc lãi suất thấp.

Phối hợp quản lý ngành nghề các địa phương

            Xây dựng hệ thống tổ chức quản lý nhà nước nghề yến sào từ trung ương đến địa phương.

            Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng yến sào, truy xuất nguồn gốc. Thực hiện và kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường trong các vùng nuôi chim yến.

            Xây dựng quy chế phối hợp quản lý nghề nuôi chim yến tại Việt Nam hoạt động đồng bộ, tính hệ thống phát huy hiệu quả là cơ sở cho việc xây dựng phát triển ngành nghề Yến sào Việt nam phát triển bền vững.

            Tóm lại, điều kiện khí hậu, thời tiết của Việt Nam rất lý tưởng cho việc phát triển nghề nuôi chim yến. Tuy nhiên hiện nay ngành nghề đang phát triển theo lối tự phát, không có định hướng, chưa có quy hoạch cụ thể. Chính vì vậy cần định hướng phát triển ngành nghề nuôi chim yến trên cớ sở quy hoạch chặt chẽ, tránh các hiện tượng xây dựng nhà yến theo lối tự phát, không tuân thủ quy học có thể ảnh hưởng đến hiệu quả chung và lợi ích của người đầu tư cũng như môi trường sinh thái.

            Công ty Yến sào Khánh Hòa dẫn đầu cả nước về nghiên cứu khoa học, kỹ thuật chuyên ngành yến sào, là đơn vị truyền thống có bề dày kinh nghiệm, đã ứng dụng thành công khoa học trong công tác quản lý, khai thác và phát triển quần thể chim yến. Công ty mong muốn là đơn vị thực hiện công tác chuyển giao công nghệ, bí quyết kỹ thuật nuôi chim yến, phát triển thành một nghề mới đem lại công ăn việc làm cho người dân và tăng thu nhập, nộp ngân sách tỉnh.

            Công ty Yến sào Khánh Hòa kính đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thường trực UBND các tỉnh, thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các sở ban ngành của các tỉnh, thành phố, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Yến sào Khánh Hòa thực hiện công tác phát triển nghề nuôi chim yến tại các tỉnh và phát triển bền vững.

Thạc sỹ LÊ HỮU HOÀNG

Tổng Giám đốc

Công ty Yến sào Khánh Hòa

KHOA HỌC VÀ ĐỜI SỐNG