Tin tức
Công ty Yến sào Khánh Hòa làm chủ công nghệ ấp, nuôi chịm yến
Khánh Hòa nổi tiếng là vùng biển có nhiều đảo, có loài chim yến sinh sống, làm tổ, tổ yến là thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, có 31 nguyên tố vi lượng, 18 loại acid amin, trong đó có 8 loại thiết yếu mà cơ thể con người rất cần nhưng không tự tổng hợp được. Ngoài ra còn có các loại đường carbonhydrat rất cần cho cơ thể con người.
Khánh Hòa là nơi có số lượng quần thể chim yến, sản lượng dẫn đầu cả nước. Theo thống kê sơ bộ, sản lượng yến sào thiên nhiên ở Việt Nam khoảng 5.000 kg/ năm, sản lượng yến sào thiên nhiên của Khánh Hòa 3.236 kg (Năm 2012).
Ngoài hướng khai thác tổ yến tự nhiên, mấy năm gần đây, ở nước ta chim yến đã vào làm tổ trong nhà ở hầu hết các tỉnh từ Nghệ An đến Cà Mau.
Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa (gọi tắt là Công ty yến sào Khánh Hòa) là đơn vị dẫn đầu cả nước về nghiên cứu khoa học, kỹ thuật chuyên ngành yến sào, có truyền thống bề dày kinh nghiệm, đã ứng dụng thành công khoa học tiên tiến trong công tác quản lý, khai thác, phát triển, di đàn quần thể chim yến trên các hang, đảo yến tại Khánh Hòa và trên cả nước.
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa và nguồn khai thác tự nhiên thì chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh to lớn ở Việt Nam. Trong thời gian qua, với sự hình thành quan điểm khoa học mới về sự phát triển quần thể chim yến hàng gắn liền với sự hình thành và phát triển hang đảo yến mới. Từ 2010, Tổng Giám đốc Công ty yến sào Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng và Cộng sự, Bước đầu nghiên cứu ấp nuôi nhân tạo chim yến hàng Aerodramus fuciphagus amechanus làm cơ sở khoa học cho việc phát triển đàn chim yến trong nhà ở Khánh Hòa - đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Đề tài đã tập trung nghiên cứu, phân tích về: Đặc điểm sinh học sinh sản của chim yến Aerodramus fuciphagus làm cơ sở cho việc ấp nuôi nhân tạo; kỹ thuật chăm sóc chim con; xây dựng phương pháp cho chim bay; tổng hợp tư liệu bước đầu đưa ra phương pháp ấp nuôi nhân tạo chim yến hàng Aerodramus fuciphagus. Thành công của đề tài là tiền đề phát triển nghề nuôi yến trong nhà để lấy tổ, phát triển tiềm năng nuôi chim yến trên các hang đảo vùng duyên hải.
Các bí quyết về kỹ thuật nhân đàn, di đàn chim yến đã tạo nên sự phát triển mạnh, vực dậy tiềm năng phát triển các hang đảo yến trên cả nước. Công ty đã có chính sách quản lý, bảo vệ và khai thác hiệu quả các hang, đảo yến nên vẫn bảo tồn và phát triển tốt đàn yến . Đến nay Công ty đã quản lý 157 hang đảo có yến tại Khánh Hòa.
Từ tháng 9/2011, Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng và cộng sự đã tiếp tục nghiên cứu đề tài cấp tỉnh“Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà”. Nội dung cơ bản của đề tài bao gồm : Nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản của chim yến trong nhà; Âm sinh học của phân loài chim yến ở Khánh Hoà; Nghiên cứu quy trình kỹ thuật xây dựng nhà yến; Các điều kiện tự nhiên, môi trường thích hợp để xây dựng nhà yến; Nghiên cứu quy trình nuôi chim yến trong nhà, với quy trình ấp nở chim yến đạt tỉ lệ ≥80%, quy trình kỹ thuật nuôi chim con đạt tỉ lệ ≥30%, quy trình nuôi chim yến trưởng thành đạt tỉ lệ ≥30% chim do ấp nở quay về tổ. Thiết kế nhà yến và các vật liệu trong xây dựng, lắp đặt nhà yến, xây dựng 02 Mô hình nhà yến điển hình ở nông thôn và thành phố với 100 con chim yến sống ổn định/mô hình, các tài liệu băng đĩa để nhân rộng mô hình.
Ngày 12/7/2013, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài chính đi kiểm tra kết quả nghiên cứu đề tài. Đoàn kiểm tra đã ghi nhận: Tổng Giám đốc Công ty Lê Hữu Hoàng và cộng sự đã có nhiều sáng tạo, nắm vững đặc điểm sinh học, sinh sản chim yến; liên tục cải tiến máy ấp trứng chim yến, thiết kế nhà yến phù hợp, nghiên cứu các vật liệu, dung dịch, hợp chất, thiết bị dùng trong xây dựng và lắp đặt nhà yến; nghiên cứu kỹ thuật nuôi chim con và phát triển bầy đàn chim yến nuôi trong nhà. Nhóm nghiên cứu đã làm tốt việc chăm sóc chim non mới nở, mớm thức ăn, tập cho chim bay, thả chim ra môi trường bên ngoài gần với tự nhiên, tập cho chim bắt mồi là côn trùng trong tự nhiên; kết quả tỉ lệ trứng nở thành chim con đạt trên 90%, tỉ lệ sống của chim con đạt trên 70%, tỉ lệ chim con trưởng thành, bay về tổ đạt trên 50%. Công ty đã làm chủ công nghệ ấp nuôi nhân tạo chim yến, bổ sung chim trưởng thành cho các hang đảo của Khánh Hoà và trong cả nước, thực hiện di đàn đối với các hang chưa có chim yến phát triển, nhân rộng mô hình nuôi chim yến trong nhà.
Hiện nay, nghề nuôi chim yến trong nhà đang phát triển một cách tự phát không có định hướng, địa phương chưa có quy hoạch cụ thể do đó có thể dẫn tới rủi ro cho người dân và ảnh hưởng đến qui hoạch phát triển đô thị. Quá trình đô thị hóa và nạn phá rừng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của chim yến. Điều kiện tự nhiên ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn so với trước đây, với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, các cơn bão mạnh xuất hiện với tần suất cao hơn.
Thức ăn của chim yến là nhiều loài côn trùng, trong đó có nhiều loài gây hại cho cây trồng, vật nuôi và con người, nên nuôi chim yến được coi là một phương pháp phòng trừ côn trùng gây hại cho môi trường. Theo Tổng Giám đốc Lê Hữu Hoàng: Chừng nào đồng ruộng Việt Nam còn phải sử dụng thuốc diệt côn trùng thì còn thức ăn cho đàn yến Việt nam phát triển. Mặt khác, sản lượng yến của Indonesia là 100 tấn/năm thì tiềm năng của Việt nam còn rất lớn, còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu để quy hoạch nghề nuôi chim yến, tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi yến trong nhà ở Khánh Hoà cũng như trên nhiều tỉnh trong nước.
Tuy nhiên cần định hướng phát triển ngành nghề nuôi chim yến của các tỉnh, thành phố thực hiện trên cơ sở quy hoạch chặt chẽ, tránh các hiện tượng xây dựng nhà yến theo lối tự phát, không tuân thủ quy hoạch có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của ngành nghề chung và lợi ích của mỗi thành viên.
Tại Hội thảo khoa học Phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam ngày 5/6/2013 tổ chức tại Khánh Hòa, các nhà khoa học đã đề cập đến giai đoạn 2013 đến 2020 là thời cơ vàng cho sự phát triển hang yến nhân tạo, nhà yến tại Viêt nam. Biến đổi khí hậu toàn cầu làm cho nhiệt độ trái đất tăng cao, hiện tượng động đất và sóng thần tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia, cháy rừng, phá rừng lấy gỗ tác hại lớn đến môi trường sinh thái chim yến tại khu vực bán đảo Borneo, làm cho đàn yến phía nam di cư về phía bắc. Chứng cứ khoa học đó đã được kiểm chứng từ những năm 70 của thế kỷ 20, với hiện tượng chuyển vùng sinh sống lên phương Bắc của chim yến do sự nóng lên bất thường khí hậu của trái đất. Quần thể chim yến ở Việt Nam ngày càng tăng nhanh là yếu tố quan trọng để phát triển nghề nuôi chim yến.
Xác định thời cơ vàng cho ngành nghề nuôi chim yến trong nhà phát triển nhất là các tỉnh Nam bộ. Nắm bắt vận hội mới cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước, tạo công ăn việc làm cho nhân dân, tạo giá trị xuất khẩu lớn đem lại nhiều nguồn thu và lợi ích cho đất nước. Xây dựng làng nghề truyền thống nuôi chim yến với đặc trưng nhà yến kết hợp vườn sinh thái tại các vùng duyên hải miền Trung và đồng bằng Nam bộ tạo nên những khu tham quan du lịch mang bản sắc văn hóa Á Đông. Đây là chương trình phát triển kinh tế kết hợp phát triển du lịch có ý nghĩa về bảo vệ môi trường sinh thái và tạo nhiều việc làm cho nhân dân.
Nguồn lợi từ việc nuôi chim yến trong nhà cũng như hiệu quả của việc dùng yến sào ngày càng được nhiều người biết đến. Theo PGS. TS Ngô Đăng Nghĩa - Viện Công nghệ sinh học và Môi trường Trường Đại học Nha Trang “số lượng người tiêu thụ yến sào ngày càng tăng. Nếu như trước đây chỉ có những người già yếu hay mắc bệnh nặng mới dùng yến thì nay yến sào được dùng như một thực phẩm chức năng có tính chất duy trì sức khỏe, ngăn ngừa bệnh và chống lão hóa. Mức thu nhập trong thời gian qua trong một bộ phân dân cư tăng lên làm cho thị trường tiêu thụ yến sào tăng theo. Trong gần 90 triệu dân, tỷ lệ người trung niên từ 50 tuổi trở lên là trên 17%, tương ứng trên 15 triệu dân, theo số liệu thống kê năm 2007. Ước tính thị trường tiềm năng khoảng một phần ba, tương đương 5 triệu người. Nếu mỗi người một năm tiêu thụ khoảng 0,5 triệu đồng, thị trường này ước tính 2.500 tỷ/năm”.
Công tác phát triển quần thể chim yến Hàng và các hang đảo yến mới có ý nghĩa to lớn về bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát triển đàn chim yến là động vật hoang dã quý hiếm cần quản lý và bảo vệ theo công ước CITES của liên hiệp quốc, Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững nguồn tài nguyên yến sào ở Việt Nam.
Như vậy việc Công ty Yến sào Khánh Hòa làm chủ công nghệ ấp, nuôi nhân tạo chim yến góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp yến đầy tiềm năng của nước ta lên tầm cao mới, đồng thời góp phần phát triển kinh tế địa phương, bảo vệ an ninh quốc phòng biển đảo, đồng hành cùng sự phát triển xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Hiện nay, ngành công nghiệp yến mới đáp ứng một phần nhỏ trong thị trường tiềm năng đó. Bên cạnh thị trường trong nước và các nước châu Á với dân số vài tỉ người, có truyền thống dùng yến sào lâu đời là một thị trường to lớn.
Một trong những vấn đề quan trọng hiện nay của Công ty Yến sào Khánh Hòa là đưa sản phẩm yến đến gần người tiêu dùng hơn nữa, tiếp tục nghiên cứu cải tiến công nghệ nuôi chim yến, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho Yến sào Nha Trang, chỉ dẫn địa lý cho Yến sào Khánh Hoà, phát triển công nghệ làm sạch tổ yến, giảm giá thành và đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm Yến sào Khánh Hòa nổi tiếng trong nước và thế giới.
PHỤ LỤC HÌNH ẢNH
Chim con mới nở
Kỹ thuật viên mớm thức ăn cho chim yến con
Chim con trưởng thành
Bên trong nhà yến
Nhà lồng tập bay cho chim yến con
Bên trong hang yến ở Khánh Hòa
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ KHÁNH HÒA SỐ 4-2013