Tin tức
Dũng sĩ và bảo mẫu của chim yến
Mùa xuân, nhiều côn trùng từ trong kẽ lá, hốc cây bay ra kiếm ăn, đây cũng là lúc mà chim yến săn mồi. Hiểu rõ tập tính này, nhiều đối tượng đã giăng bẫy bắt chim, gây suy giảm nghiêm trọng chất lượng và số lượng đàn yến.
Đội bảo vệ chim yến thu gom những tấm lưới "tàng hình" - Ảnh: MINH CHIẾN
Để bảo vệ loài chim này, tại Khánh Hòa, một đội "dũng sĩ" chuyên giải cứu chim yến và những "bảo mẫu" chăm sóc, chữa lành vết thương cho loài chim "nhả ngọc trời" này được thành lập.
Những "phi vụ" giải cứu chim yến
Theo đó, công việc hằng ngày của các thành viên trong đội bảo vệ chim yến là lần theo các tay săn chim, các đầu nậu mua bán, chế biến... để chụp ảnh, quay phim làm bằng chứng, thu giữ các tang vật và phối hợp với chính quyền, ngành kiểm lâm để xử lý.
Những dụng cụ như loa bẫy chim, cọc sắt được bày binh bố trận trên khắp cánh đồng - Ảnh: MINH CHIẾN
Một lồng nhốt chim yến mà các tay săn chim bắt được bị thu giữ - Ảnh: Đội bảo vệ chim yến cung cấp
Gỡ những tấm lưới giăng dài gần 10m trên cánh đồng huyện Diên Khánh, ông Nguyễn Sỹ Ninh - trưởng phòng quản lý bảo vệ Công ty Yến sào Khánh Hòa - cho hay những sợi lưới "tàng hình" này rất mảnh và nhỏ, khi chim càng giãy càng mắc lưới sâu, lúc này chim có thể bị lưới cắt đứt chân, siết nghẹt đường thở… Qua một thời gian ngắn, chim sẽ chết ngay trên lưới nếu không kịp phát hiện.
Các tang vật được thu giữ trên cánh đồng - Ảnh: MINH CHIẾN
Chim yến chết do mắc lưới - Ảnh: MINH CHIẾN
Trong quá trình làm việc, các thành viên trong đội gặp không ít những tình huống, "phi vụ" giải cứu khó khăn. Chẳng hạn đầu năm 2023, tại xã Phước Đồng (TP Nha Trang), ngay khi bị phát hiện, tịch thu tang vật, nhóm bẫy chim đã chặn đầu xe của đội kiểm tra đòi hành hung. Rất may lúc này có lực lượng công an và cán bộ địa phương hỗ trợ nên không xảy ra "chuyện lớn".
Có những tay săn chim cực chuyên nghiệp bố trí hệ thống lưới và loa lên đến hàng chục mét, sẵn sàng phi tang vật chứng khi được báo tin tổ kiểm tra đến…
"Có lần chúng tôi đi gỡ lưới thì phát hiện hàng chục xác chim yến đã chết khô, các thành viên rất đau lòng. Đáng thương hơn là chim bố mẹ, nhất là chim yến đảo phải bay hàng chục hải lý vào đất liền kiếm ăn khi bị bắt mất thì chim non sẽ chết đói trên tổ hoặc trứng chim không được nở, kéo theo là số tổ, sản lượng ngày càng giảm sút", ông Ninh kể.
Theo thống kê của Công ty Yến sào Khánh Hòa, từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm, công ty phát hiện hơn 50 vụ bẫy chim yến, giải cứu hơn 3.000 con.
Chăm yến như chăm con
Các kỹ thuật viên tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học cho chim yến ăn - Ảnh: MINH CHIẾN
Những chú chim yến sau khi được cứu khỏi bẫy sẽ được mang về Trung tâm Nghiên cứu khoa học - Công ty Yến sào Khánh Hòa.
Anh Đinh Phong Hoàng - trưởng bộ phận ấp nuôi nhân tạo tại trung tâm - cho hay tổ chim yến thường ở nơi cheo leo trên vách đá, khi chim bố mẹ bị bắt thì công ty sẽ giăng lưới cứu hộ ở dưới. Khi chim con đói bò ra khỏi tổ sẽ rơi xuống, công ty sẽ gom chim non chuyển từ đảo về trung tâm chăm sóc.
Sau 3 - 5 ngày sẽ phân loại chim yến, những chim con sức khỏe ổn định sẽ đưa vào chăm sóc theo quy trình ấp nuôi nhân tạo, những chim con còn yếu, bị thương sẽ được chăm sóc đặc biệt.
"Đến giai đoạn tập bay, để đánh giá sức khỏe trước khi thả về môi trường tự nhiên, chim yến được đưa lên nhà lồng tập bay và theo dõi khả năng bay, bắt mồi thành thạo. Đối với chim yến nhà cũng có cách chăm sóc tương tự", anh Hoàng chia sẻ.
Những chiếc tổ nhân tạo xinh xắn nơi chim yến non được chăm sóc, theo dõi sức khỏe - Ảnh: MINH CHIẾN
Tại nơi chăm sóc nuôi dưỡng chim yến có đủ các loại máy ấp trứng, máy sưởi ấm, máy tạo độ ẩm cũng như thiết bị cân đo, kiểm soát không khí…
Ấn tượng nhất phải kể đến là những chiếc tổ yến mô phỏng bằng nhựa để nuôi chim con, bên trong tổ có lót một mành mây để chim yến non bám chân được. Trước đó phải thử nghiệm hàng loạt chất liệu như vải nhung, xơ dừa… để tìm ra vật liệu thích hợp nhất làm tổ.
Một chú chim yến non được "bảo mẫu" mớm thức ăn - Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu khoa học cung cấp
Ông Nguyễn Đức Lợi - phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học Công ty Yến sào Khánh Hòa - chia sẻ khi nhận chim cứu hộ, chim con mới nở sẽ dễ chăm sóc hơn, những chú chim lớn sẽ khó chăm sóc hơn vì chúng đã quen được chim bố mẹ mớm mồi.
"Chăm yến như chăm con, đòi hỏi phải có tính nhẫn nại, tình yêu thương chim yến, trung bình mỗi ngày các kỹ thuật viên phải chăm sóc từ 200 đến 300 chim con và cho chim yến con ăn đến 5 - 6 lần", ông Lợi chia sẻ.
Hiện số lượng chim cứu hộ và ấp nở nhân tạo tại trung tâm khoảng 13.000 con (từ năm 2015 đến 2023).
Nguồn: tuoitre.vn